Sunday, November 6, 2011

“Gió Mùa Đông Bắc”



của Trần Ngươn Phiêu.

hay

Câu Chuyện Một Thời, Câu Chuyện Một NgườI

Mai Kim Ngọc

Bắt đầu là cái tựa Gió Mùa Đông Bắc nhắc cho tôi một bữa cơm trưa hồi còn học trung học tại Huế, khi chương trình nhạc yêu cầu bị cắt ngang bởi bản tin khí tượng cho tàu chạy ven biển. Thường thường là ‘Gió cấp 5 tới 6, có mưa lác đác trong đất liền và dọc vùng duyên hải... Biển động nhẹ...’ Thời tiết như vậy không phải là một thiên tai, và trái lại một chút lạnh lùng hay giông tố nơi xa xăm chỉ làm cho buổi cơm trưa gia đình ấm cúng hơn. Chuyện chớp bể mưa nguồn không làm mất thú vị khi nghe Đêm Tàn Bến Ngự trình diễn bởi ca sĩ Minh Trang khi chương trình tân nhạc yêu cầu của đài phát thanh Huế nối tiếp.

Nhưng hôm ấy vào tiết cuối đông, gió mùa đông bắc hình như lên đến cấp 9 hay 10, hay cao hơn, và ai nghe bản tin khí tượng dù có vô tâm cũng phải ngưng đũa theo rõi những tai họa có thể xảy ra. Mọi người yên bụng khi biết bão có lẽ không chuyển tới Trung Việt, cửa Thuận An cũng như phá Tam giang sẽ an toàn, và Đập đá trên đường ra phố hay tới trường không bị ngập.

Thấy tôi chưa trở lại góp phần vào câu chuyện chung, bà chủ trọ có lẽ đoán tôi bận tâm vì thiên tai ngoài Bắc nơi chánh quán. Làm bộ tự nhiên bà nói, ‘xa xôi cách trở thế, con có lo cũng không làm được gì.’ Tôi thú thật lúc ấy đang suy nghĩ chuyện khác, nhưng câu nói làm làm tôi sực nhớ lại cảnh lụt lội ngày xưa khi người làng quần áo ướt sũng, mặt mày tím ngắt, vất vả hộ đê trong mưa gió giá buốt... Và tôi hóa ra bận tâm thật, nhưng đồng thời thấy ấm lòng vì sự ưu ái của bà chủ trọ mà tôi quý như cô ruột.

Hôm nay tại hải ngoại, GMĐB của Hải Mã bất ngờ nhắc lại những đầm ấm cũng những gian khổ ngày xưa nơi quê cũ. Và đọc xong tác phẩm, tôi hiểu tại sao tác giả gắn bó chừng ấy với gió mùa đông bắc, cũng như với chính quê hương...


GMĐB trong viễn cận văn học hải hành.


Tôi vẫn ưa thích và tìm đọc tiểu thuyết về biển cả, phần lớn là qua ngoại văn vì văn học ta không nhiều sách truyện thể loại này. Tùy thời điểm, tôi đã lần lượt mê thích Pierre Loti, Chekhov, Hemingway, vân vân... Với vốn đọc ấy, tôi không tránh được xu hướng đối chiếu GMĐB với văn học thế giới cùng thể loại.

Bắt đầu bằng Pierre Loti biết từ thời trung học. Văn phong ông có hương xa của những vùng viễn duyên, và vị mặn đậm đà của muối biển thấm từng trang truyện của ông. Ông làm tôi mơ ước có ngày được đặt chân tới những địa danh xa lạ ấy... Về sau khôn lớn đọc truyện ông kỹ hơn, tôi lấn cấn khi ông để lộ những thiếu xót về văn hóa Việt Nam trong cuốn Pêcheur d’Islande. Khi ông đưa nhân vật sang chiến truờng Bắc kỳ, ông không cần phân biệt lính Việt với lính Tàu hay lính Cờ đen mà ông đã tha hóa tất cả thành những cái đích cho nhân vật của ông bắn giết. Ông khơi khơi kể cậu thủy thủ Pháp vô chùa lấy tượng Phật với ý định mang về Pháp làm quà cho chị. Khi anh ta bị thương và qua đời, viên hạ sĩ hành chánh mang tượng lên boong tầu bán đấu giá cùng với những đồ tuế nhuyễn riêng tây khác để gom ít tiền lẻ gửi về Bretagne cho gia đình kẻ xấu số... Vì trình độ và quan điểm của nhân vật cưng (protagonist) thuờng là trình độ và quan điểm của tác giả, nên thấy Loti xử lý tuợng Phật thiếu cẩn trọng tôi nghi ngờ cái vốn nhân bản cũng như sở học của nhà văn Pháp về văn hóa thế giới.


Cũng vì thiếu kiến thức về những không gian dùng làm bối cảnh, chuyện ông kể thường lộ tính chất hư cấu không cẩn trọng mà thành khó tin. Trong Aziadé, Loti hình như không biết đến sự khe khắt đạo lý và tư pháp Hồi giáo với tội ngoại tình, để nhân vật của ông thuê căn nhà giữa khu bản xứ làm nơi hò hẹn với một người đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ có chồng. Hễ có dịp là nàng trốn harem ra để hú hí với tình nhân là anh chàng sĩ quan ngoại quốc. Nếu thật sự hành động như vậy, cặp uyên ương chắc khó thọ nổi một mùa trăng. Sơ xuất ấy làm Gide riễu rằng, người yêu của Loti có lẽ không phải là một nàng, mà là một bậc tu mi nam tử.

Nhà văn không phân biệt được đàn bà Thổ với đàn bà Pháp đồng hương, và đã bị lừa trong một sự cố văn học khôi hài. Ba cô gái Pháp giả làm ba nữ độc giả Thổ ái mộ văn ông, thư tín rồi hò hẹn, rồi đưa Loti vào một cuộc tình tay tư. Các cô mớm cho Loti những chi tiết tưởng tượng về đời sống harem mà nhà văn cả tin cứ thế ghi chép và hư cấu thành cuốn Les Désenchantées. Một trong ba cô gái rắn mắt nguyên là nhà báo, về sau cho xuất bản một cuốn sách phanh phui ra sự thật ngộ nghĩnh này.


*

Tôi sẽ ít lời về Chekhov và Hemingway. Với ‘A Sailor’s Story’ của Chekhov và ‘The Old Man And the Sea’ của Hemingway, tôi chỉ có sự thán phục không mệt mỏi và đã đọc đi đọc lại nhiều lần những hàng, những chữ, những đoạn văn tuyệt vời. Tác phẩm đã vượt lên trên cái riêng của nhân vật và tác giả, mà đạt tới cái đẹp chung cho cả nhân loại.

Nhưng vấn đề là tôi chưa no về chuyện hải hành sau khi đọc hai nhà văn lớn. Tác phẩm của họ quá hay, quá đẹp, đúng là món quà chung cho nhân loại. Vậy mà cái chung làm tôi thèm cái riêng. Cái riêng ấy là linh hồn một nhà văn thủy thủ Việt Nam để kể cho tôi chuyện hải hành qua một lăng kính đồng hương đồng chủng đồng văn. Nên chi sau Chekhov và Hemingway, tôi vẫn ước mong được đọc một cuốn truyện về biển cả do một tác giả Việt sáng tác.

Tôi đã gặp GMĐB trong tâm cảnh ấy, và sung sướng thấy tác phẩm quả thật là câu chuyện của người thủy thủ tôi chờ đợi. Tác phẩm rất gần với những vui buồn của nhiều thế hệ đồng hương có tư duy và nhậy cảm, mà trong số đó về nhiều tình tiết, về nhiều phương diện, có lẽ có cả tôi với bạn.


Câu chuyện của người thủy thủ Việt.


Triệu nhân vật chính của GMĐB tốt nghiệp trường y tế hải quân Bordeaux, ngoài y khoa còn được thụ huấn chu đáo về hải hành. Về phục vụ miền Nam, Triệu đã đi biển như một sĩ quan hải quân, khi thì qua Mỹ lãnh tầu, khi thì tham dự các cuộc vận chuyển hay tiếp tế cho quân đội cũng như thường dân.

... Triệu tham dự cuộc hải hành đầu tiên trên chiến hạm Việt Nam nhân dịp có chương trình di dân từ các vùng khô cằn ở miền Trung để đưa dân vào tái định cư ở các vùng phì nhiêu trong Nam. Đây là một trong những chương trình khẩn hoang lập ấp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm tiếp theo cuộc di dân vĩ đại sau Hiệp định Genève năm 1954.

...Khi tàu vượt khỏi Vũng Tàu, lần đầu tiên hứng được gió và bọt biển thổi ướt mặt, Triệu cảm thấy một niềm hãnh diện vô biên về tương lai mới của mình. Đây là lần đầu tiên, Triệu đứng trên một chiến hạm có quốc kỳ của xứ sở mình đang bay phấp phới. Vì trên tàu có sự hiện diện của y sĩ nên hạm trưởng cho kéo thêm hiệu kỳ M lên kỳ đài.

So với nước biển bên trời Âu, biển Thái Bình Dương có một màu xanh biếc khác hẳn. Từ Nam ra Trung, chiến hạm di chuyển cận duyên, nên cần phải được xác định vị trí một cách thường trực. Anh em thủy thủ và sĩ quan hải hành phải ‘làm point’, đo góc cạnh với các mục tiêu trên bờ. Nhờ vậy, Triệu thích thú biết được tường tận vị trí của các địa danh từng nơi trước kia chỉ được biết trên các bản đồ. Các nơi như , mũi Kê Gà, Cap Varella, Mũi Dinh (Cap Padaran), Cù lao Ré, Cù lao Chàm...nay là những thực thể trước mắt Triệu.

Và gió mùa đông xuất hiện trong truyện của anh:

... L.S.M. là loại tàu đổ bộ và ủi bãi, lườn tàu đáy bằng nên mỗi khi nhảy sóng lớn, toàn thân tàu rung chuyển như một hộp sắt lớn. Mỗi lần tàu nhảy sóng như vậy, các đoàn cá bay lội theo tàu phải hoảng hốt bay lên để tránh xa. Chuyến hải hành này gặp mùa gió Đông Bắc. Tuy sức gió không phải vào những ngày biển động mạnh nhưng một số thủy thủ cũng bị ói mửa mật xanh, mật vàng, bỏ ăn bỏ uống. Triệu nhờ học được kinh nghiệm truyền lại của những ‘sói biển’ già ở Pháp nên đã chịu đựng được bằng cách suốt ngày chỉ ăn từng nhúm nho khô đã đem theo. Chỉ có đêm đành phải chịu khó ngủ vì tiếng động mạnh của vách tàu rung chuyển mỗi khi nhảy sóng.

Ai thật lòng yêu quê hương yêu luôn những gian khổ của đất nuớc. Đồng bào châu thổ Hồng Hà đã yêu con sông đời đời đem phù sa mở mang bờ cõi, nhưng cũng nghiệt ngã không kém với những cơn lụt chết người mỗi năm. Đồng bào sơn cước yêu núi từ đỉnh Fansipan vời vợi như mái nhà đất nuớc cho đến dãy Trường sơn xương sống Trung Việt, khi tuổi già sức kém vẫn không muốn bỏ núi dù những con dốc trong bản mỗi tuổi mỗi cao hơn. Triệu yêu gió mùa đông bắc cũng với một tình tự như vậy. Anh viết hoa cụm từ ‘Đông Bắc’, tựa như cơn gió mùa ấy có hồn. Và khi gió ấy được kính nể nhắc tới bởi con sói biển già của quân truờng Brest đã có hồi hải hành dọc bờ biển Bắc Việt, anh kiêu hãnh ghi lại lời y:

... ‘Nghe đồn mầy là dân Việt phải không? Tao đã từng bao phen đi dọc bờ biển Việt Nam, từ Phú Quốc đến vịnh Hạ Long. Mầy đã đến thực tập ở Brest chưa? Sóng biển ở Brest nếu không phải dân gốc Breton thì bị nôn mửa là chuyện thường tình nhưng so với biển ở Việt Nam vào lúc gió mùa Đông-Bắc thì không ăn nhằm gì. Sóng gió ở Brest tuy dữ dội nhưng chỉ ở một vùng nhỏ. Ráng chịu đựng một chập rồi sẽ qua khỏi. Ở Việt Nam vào lúc gió mùa Đông-Bắc, phải đi từ Nam ra Bắc thì bị sóng dập dùi không phải một vài giờ mà là từ ngày này sang ngày khác. Thủy thủ nhà nghề phải mửa mật xanh, mật vàng là chuyện thường tình. Tao đã từng tham dự di chuyển quân dụng khẩn cấp từ Nam ra Bắc vào mùa gió chướng nên đã phải bao phen khổ sở vì gió mùa Nọt Đê (Nord-East) nhưng khi có lịnh thì phải thi hành, không thể chờ đến lúc trời lặng sóng êm.’         

Chuyện khí tượng đã yêu đến thế, huống gì thắng cảnh quê hương. Anh viết về cố đô Huế, cái nôi của một triều đại kéo dài 300 năm kể từ đời các chúa Nguyễn khi khai phá miền Nam:

... Sau hai ngày hải hành, Dương vận hạm cập bến Đà Nẳng để bốc dỡ quân trang quân dụng chuyên chở cho miền Trung. Hạm trưởng vốn gốc Huế nên nhân dịp định về thăm nhà. Triệu xin được tháp tùng để viếng cố đô Huế.

Đây là lần đầu tiên Triệu có cơ hội vượt đèo Hải Vân bằng đường bộ. May gặp ngày nắng ráo, từ đỉnh đèo có thể ngắm nhìn ra biển xa với các mảng mây lơ lửng lưng chừng đèo trông rất thơ mộng. Đúng là quê hương quả đẹp thật!

Đến Huế, Triệu được cơ hội viếng thăm các lăng tẩm cổ kính với những kiến trúc khác biệt theo từng thời đại. Triệu thích lăng Minh Mạng với cái không gian tĩnh lặng quanh lăng. Huế còn có bao nhiêu chùa cổ danh tiếng như chùa Thiên Mụ bên dòng sông Hương với cái tháp cao nhiều tầng là độc đáo nhất...

Ngay trong những nhiệm vụ thông thường của mọi hải quân, câu chuyện của Triệu cũng mang tính chất Việt Nam một cách không thể lầm lẫn. Tôi biết người lính thủy Mỹ đã có tinh thần nghiệp vụ rất cao khi chuyển vận dân di cư từ Hải Phòng vào Nam sau hiệp định Genève, cũng như về sau từ Sài Gòn sang Guam khi miền Nam thất thủ. Họ chu đáo và có lòng ưu ái sâu đậm với đối tượng của mình. Nhưng lòng ưu ái cứu tế của người bạn tốt dù sao cũng không thể bằng cái xót xa phủ tạng của người lính thủy Việt trong loại công tác ấy. Triệu viết về vụ đưa dân di cư vào vùng An thới:

... Trở lại về Đà Nẳng để tiếp tục công tác, Dương vận hạm trở về vùng Quảng Tín để đưa hơn bốn trăm dân chúng vào Nam lập nghiệp ở vùng An Thới, đảo Phú Quốc. Triệu đã đau lòng chứng kiến cảnh nghèo khó của người dân vùng này. Nhiều gia đình, gia tài của cải mang đi chỉ có vài bộ quần áo rách đựng trong một bọc vải nhỏ! Hi vọng rồi đây khi được vào Nam, được cấp đất canh tác, vật liệu xây cất nhà cửa, số phần của họ sẽ được cải tiến phần nào?

Vì dân chúng được di dân phải đi từng gia đình nên trong số phụ nữ, có những người mang thai gần đến ngày sanh. Khi tàu nhổ neo ra biển, chuyện bị say sóng ói mửa là chuyện thường nhưng vài người mang thai gần đến ngày sanh vì bị sóng nhồi nên đã bắt đầu chuyển bụng. Trong điều kiện chật hẹp trên tàu, Triệu và y tá Hải quân đã đỡ đẻ cho hơn ba thiếu phụ. May mà việc sanh sản không có gì trắc trở. Theo thông lệ Hải Quân, hạm trưởng là sĩ quan hộ tịch. Cả ba bà mẹ đều chọn tên chiến hạm Hàn Giang để đặt tên con.

Việt tính trong Triệu đậm đà như vị nuớc mắm của tâm hồn Việt Nam. Anh có những hàng thắm thiết về món hải sản này:


... Phú Quốc, là một đảo nhỏ nhưng rất trù phú với công nghệ sản xuất nước mắm đặc biệt của đảo. Cá chánh yếu để làm nước mắm Phú Quốc phần lớn là loại cá cơm, một loại cá được thấy rất nhiều ở vịnh Thái Lan. Cá cơm đã đem lại cho nước mắm Phú Quốc một hương vị thơm ngọt, khác với loại nước mắm khác như nước mắm Phan Thiết vốn được biết là loại rất đậm đà. Trong những ngày lưu lại An Thới, Triệu và các anh em sĩ quan Hải Quân đã được một vài chủ vựa mắm khoản đãi những món ăn địa phương. Ngoài những đặc sản quý như biên mai, những loại cá biển khác tuy thông thường nhưng vì được lưới tươi từ biển lên, chấm với loại nước mắm nhỉ có ‘ốc trâu’ đặc biệt của chủ vựa nên lần đầu tiên Triệu mới biết thưởng thức hương vị thơm ngọt của nước mắm Phú Quốc.

Tôi đã được đọc du ký của nhiều người khác trên đường sang Pháp, và đã thích thú chuyện lạ bốn phương họ kể. Nào là nước biển có thể có những màu sắc khác nhau tại những miền khác nhau; nào những đàn cá bay vây dài như cánh én, gặp sóng ngược phóng lên không như đàn chim thiên di; nào những vịnh nuớc trong như ruợu tăm, san hô đỏ như môi con gái, cát trắng dưới đáy mịn như đường tây... Nhưng rồi tôi giật mình khi họ kể tiếp về liên hệ của họ với thổ dân. Một trong những liên hệ ấy là đứng trên boong tàu ném tiền đồng xuống biển để cho những em bé thổ dân tranh nhau lao xuống đáy sâu để nhặt. Cái hấp dẫn của chuyện lạ không đền bù nổi cái xót xa khi thấy sự phân cách thiếu nhân bản giữa du khách và trẻ em thổ dân.

Nên chi, tôi thở dài nhẹ nhõm khi liên hệ của Triệu với hải đảo Việt Nam không vô tình vô tâm như vậy. Anh chia sẻ với người lớn lòng nhớ đất nhớ nhà của cảnh tha hương:

... Dương vận hạm Hàn Giang cuối cùng đã đưa nhóm di dân vào vùng Nam của đảo Phú Quốc là An Thới. Nơi đây là vùng có nhiều vườn dừa, do các chủ đồn điền người Pháp trước kia khai thác. Khi tàu chuẩn bị để ủi bãi, đã thấy một ghe nhỏ từ bờ chèo rất nhanh ra tàu. Các anh em thủy thủ đã kháu nhau: ‘Ghe cha L. đó’. Linh mục L. cai quản một số giáo dân xa đất liền nên khi có tàu ghé An Thới, nhất là tàu Hải Quân thì thế nào ông cũng ra liên lạc để biết tin tức đất liền, xin báo chí để đọc và - theo các anh em thủy thủ đoàn - để có dịp nhậu la ve lạnh với các sĩ quan...’

Với trẻ em, Triệu không đứng trên boong chiến hạm ném tiền đồng xuống cho chúng lặn. Chính chính anh xuống nước tham dự sinh hoạt của các em. Không có thổ dân biểu diễn, không có du khách đứng xem. Chủ và khách là một, bắt cá chung với nhau rồi so sánh xem ai bắt được nhiều hơn ai:

... Sau chuyến công tác An Thới, Triệu có nhiều dịp tháp tùng các chiến hạm khác nên đã có dịp biết các hải đảo như Cù lao Chàm, đảo Phú Quý hay Cù lao Thu, Côn Đảo, hòn Khoai với ngọn hải đăng và suối Tiên, hòn Thổ Châu, hòn Nam Du...Triệu thích nhất mỗi khi được đi công tác trên chiếc Hóa Giang. Đây là một tàu được biến chế thời Pháp để làm công tác vẻ bản đồ vịnh Thái Lan. Sàn tàu phía sau được sửa sang thành một sân rộng rất mát mẻ để sanh hoạt hằng ngày. Có lần Triệu được chỉ định tháp tùng một phái đoàn của Đại học Khoa học Sài Gòn cùng với Hải học viện Nha Trang ra khảo sát Đảo Trường Sa. Đến Trường Sa lại có tin bảo lớn sắp đến. Cuộc khảo sát phải đổi mục tiêu, chuyển sang nghiên cứu về Cù lao Thu ngoài khơi Phan Thiết trong hơn một tuần. Trên các bản đồ cũ cù lao có tên là Poulo Cécir de Mer, nay lại có tên là đảo Phú Quý. Vì xa đất liền nên trong suốt cuộc chiến, đảo tương đối rất an bình. Trong suốt tuần tàu neo ở đảo, mỗi ngày Triệu đeo mặt nạ và bình hơi ép, lặn theo các em nhỏ ở đảo để đi bắt cá trong các hóc đá. Các em chỉ dùng những kính đeo mắt thô sơ bằng hai lóng tre có gắn kiếng, kèm hai băng cao su để cột kính vào hai bên tai. Với loại kính thô sơ như vậy nhưng các em lại bắt được nhiều cá hơn Triệu. Mỗi lần bắt được cá, các em đưa lên miệng, chỉ cắn một cái để giết cá, xong cột cá vào thắt lưng để tiếp tục cuộc săn một cách thật rành nghề.

Với Triệu, gắn bó với Hải quân là gắn bó với con người, dù là quân trường anh được huấn luyện hay là hạm đội miền Nam anh phục vụ về sau. Câu chuyện của Triệu không phải là về tàu to hay bé, về câu lạc bộ sĩ quan sang trọng thế này thế nọ, mà là câu chuyện tâm tình. Đó là câu chuyện của con sói biển già ân cần với học viên của mình, hay niềm ưu ái của chính anh dành cho những lính thủy đồng đội, cũng như sự bận tâm với cuộc sống vất vả hiểm nghèo của họ.

... Trái lại từ Nam ra Trung gặp lúc gió mùa Đông Bắc là mùa biển động, thủy thủ đoàn phải qua nhiều phen vất vả. Các chiến dịch lớn thường xảy ra lúc mùa khô. Địch thường chọn mùa này để khởi động các chiến dịch Đông-Xuân nên Hải Quân thường phải đảm nhận các công tác tiếp vận cho miền Trung trong mùa gió chướng mà dân Hải Quân thường dùng danh từ của Pháp để lại là mùa Nọt-Đê (Nord-East). Mỗi lần đi công tác nhằm mùa gió Đông-Bắc, Triệu mới thấm thía nhớ lại lời của viên huấn luyện viên ‘sói biển già’ ở trung tâm huấn luyện thuyền buồm Socoa: ‘Khi nào về xứ Việt Nam của anh, gặp lúc gió mùa Đông-Bắc, anh sẽ biết biển động là gì. Nhưng đã là thủy thủ thì một khi có công tác chỉ định, phải cố gắng chịu đựng hoàn thành’.

Có được dịp hải hành theo các thủy thủ trong lúc gió mùa Đông Bắc mới thấu rõ được khổ cực của người lính thủy khi phải vật lộn với thiên nhiên trong những phen cuồng nộ.

Trong cảnh hưu trí tha hương hiện tại, anh vẫn nghĩ đến anh em. Qua những sinh hoạt xã hội và văn hóa tiếp nối, anh tiếp tục góp công của trợ giúp những gia đình thương binh tử sĩ hải quân miền Nam. Anh thuờng nhắc đến con em của gần 100 thủy thủ Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình khi đụng độ với Hài quân Trung cộng trong khu vực Hoàng Sa Trường Sa. Sách truyện của anh bán được, anh chỉ giữ lại ấn phí và bỏ phần còn lại vào quỹ tương tế cho những gia đình xấu số này.


GMĐB ần dụ cho một cuộc đời.


GMĐB không chỉ là câu chuyện của người thủy thủ Việt với gió thật, nước thật, biển thật, mà còn là hình ảnh của một cuộc đời. Cuộc hải hành ần dụ này thường gặp gió ngược, nhưng nhờ số mạng may mắn và tay nghề hoa tiêu cao, mọi khó khăn rồi cũng qua.

Vậy mà đọc GMĐB, ta thấy rất gần với Triệu. Trừ bốn năm năm chấp chánh với tư cách bộ trưởng xã hội, những vui buồn của anh có thể gọi là điển hình cho giới trung lưu Việt Nam cùng thời. Triệu quen thuộc gần gũi với người đọc như một bậc đàn anh đã có thời gian sống cùng dãy phố, cùng tỉnh lỵ, và học mấy lớp trên cùng mái trường trung học thị xã...

GMĐB có tuổi thơ êm đềm, thanh bần và êm đẹp, trong nền nếp gia đình nghiêm túc mà đầm ấm. Nó có thành tựu học đường, nhờ siêng năng sách đèn mà đỗ đạt, đúng truyền thống lấy khoa bảng làm con đường tiến thân, tuy không dễ nhưng trong tầm tay mọi người. Nó có cái hậu tích cực của chuyện dân gian khi thày khóa sớm hôm trở thành ông trạng bằng con đường thênh thang của học vấn.

Và đặc biệt cho buổi giao thời, nó có những trăn trở trong việc ứng xử với người Pháp và văn hóa Pháp, mà tính cách bạn thù luôn luôn lẫn lộn. Sau cùng, nó có sự giật mình khi nghĩ lại những kinh nghiệm cũ với kháng chiến, khi người Cộng Sản thay hình đổi dạng rất nhanh từ anh bộ đội yêu nước để trở thành đối thủ chính trị không khoan nhượng có khả năng tàn nhẫn ngay cả với ruột thịt...

Trải qua một cuộc sống phức tạp như vậy người ta cần có lúc dừng lại tĩnh tâm nhận định vị trí, tựa như người thủy thủ sau một cơn biển động dừng lại ngắm sao và những mấu chốt đặc thù ven biển để biết mình đang ở đâu. GMĐB là một nhận định như vậy, và Triệu đã làm ‘point’, theo lối nói của người đi biển. Tôi không ngạc nhiên sự nhận định này đã giúp anh thấy được một cái nhìn toàn diện về cuộc đời. Và nhờ trung thực, nhận định của anh cũng sẽ giúp nhiều người khác cùng cảnh, lớn lên và sống qua những thẵng trầm của đất nuớc.


Thời thơ ấu.


Tuổi thơ của Triệu tiền hung hậu cát. Đúng với ẩn dụ của GMĐB, anh đã sớm gặp cảnh tang tóc rồi mới được hưởng những năm tháng êm đềm. Anh mồ côi mẹ rất sớm như anh đã viết về cái tang đầu đời những hàng sau đây:

Vì mất mẹ khi còn quá nhỏ, Triệu chỉ còn nhớ mang máng được hình ảnh mẹ như khi mẹ xắt chuối nuôi heo hay xay lúa, giã gạo, sàng gạo với các cô ...Chỉ có một lần được mẹ tắm ở giữa sân, khi gội đầu bằng xà bông, Triệu đã nhắm chặt mắt chờ khi mẹ xối nước xong mới dám vuốt mặt, mở mắt ra. Nắng chiều chiếu qua các giọt nước còn đọng trên mi, mặt mẹ Triệu cúi gần mặt Triệu, nên khi mở mắt Triệu thấy hình ảnh mẹ lung linh tuyệt đẹp. Tám chục năm về sau, mỗi lần hồi tưởng nhớ mẹ, Triệu vẫn còn giữ mãi nét mặt của mẹ qua ánh nước lóng lánh của buổi chiều ngày đó.

... Nhưng rồi, một hôm, mẹ Triệu trở bịnh nặng, hôn mê nhiều ngày. Triệu và em được cho ngủ riêng với các cô. Một buổi chiều, mẹ Triệu hồi tỉnh lại, các cô đưa anh em Triệu khép nép vào thăm mẹ. Nhưng đó có lẽ là những phút hồi dương ngắn vì sáng hôm sau, các cô khóc sướt mướt đánh thức anh em Triệu dậy và cho hay ‘Mẹ đã mất rồi!’. Vào tuổi đó Triệu thấy người lớn khóc nên cũng khóc theo, nào có hiểu mất mẹ là gì!

...Cả nhà rộn rịp, rối rắm lo việc tẩm liệm. Trưa hôm đó, không ai còn thì giờ lo cho anh em của Triệu. Hai anh em đều thấy bụng đói cồn cào nhưng không dám nói cho ai biết đành rủ nhau nằm vắt vẻo ở cầu thang vì nhà ông nội Triệu được cất theo loại nhà sàn cao, theo lối nhà người Miên. Sau cùng có người nhận thấy, nhớ là quên cho anh em Triệu ăn mới lo cho hai đứa nhỏ vừa mất mẹ. Đó là lần đầu tiên Triệu biết được thân phận mồ côi của mình !

Mẹ Triệu được chôn ở thửa ruộng trước nhà không xa. Chiều chiều Triệu vẫn ngồi trước nhà nhìn ra mả mẹ. Bên mộ thấy có trồng một cây chuối, vì hình như mẹ Triệu chết trong lúc đang mang thai. Nghe người lớn bàn: khi chuối trổ buồng, lúc đó là em Triệu sẽ được sanh ở cõi âm? Trước mộ, Triệu còn thấy con chó tên Nết mà mẹ Triệu thường chăm sóc cho ăn mỗi ngày đang nằm ủ rũ. Con chó trung thành đó vẫn ra nằm nhiều ngày bên mộ mẹ Triệu!

May mắn thay, đại gia đình can thiệp. Ông ngoại Triệu đã hưu trí nên không giàu có, nhưng đã làm một quyết định rất Việt Nam là mang Triệu về nuôi. Cùng với các cô các chú, ông bà ngoại sau cùng đã tạo được cho Triệu một tuổi thơ êm đềm.

Gia cảnh trung lưu bản chất không sung túc. Thời ấy cũng như nhiều năm tiếp theo, tuổi thơ không có đồ chơi làm sẵn ra tiệm là mua được, và trẻ con chế biến ra quả kiện hay cây khăng để giải trí. Đồ chơi của Triệu là cặp gà tre mà nhờ kèm bạn môn toán mà có được:

...Như có một lần, Triệu đã tìm cách lân la với một bạn học chỉ vì biết anh bạn này có nuôi nhiều gà tre, loại gà rừng nhỏ con mà giới trẻ rất thích. Có một lúc vào ngày lễ, thầy giáo lại cho một lô bài toán cho học sinh phải làm trong các ngày nghỉ. Anh bạn này vốn yếu về toán nên rủ Triệu đến nhà để cùng làm bài. Anh cũng có hứa sẽ tặng cho Triệu một con gà để đem về nuôi. Đến mãi xế trưa, sau khi đã giúp làm xong các bài toán, anh bạn này mới lựa cho Triệu một con gà bé tí teo, mà lại là một con gà mái! Triệu thất vọng quá nhưng không dám nói ra. Nhằm lúc ấy bà ngoại Triệu lại đi tìm cháu và được hướng dẫn đến đúng nhà bạn Triệu. Như thường lệ, bà ngoại Triệu bắt chuyện với gia đình bạn Triệu. Trong câu chuyện ngoại Triệu có cho gia đình bạn biết là sáng trước khi đi, Triệu có cho bà biết là hôm đó Triệu có một bạn hứa đến nhà anh ấy ‘lấy gà’. Ngoại Triệu đã dạy Triệu là phải nói ‘đến nhà bắt gà, chớ không ai lại nói: đến để lấy gà’. Mọi người đều cười ồ về việc dùng sai danh từ của Triệu và kết cuộc câu chuyện là gia đình bạn Triệu bắt anh phải tặng thêm cho Triệu một anh gà trống đàng hoàng cho ‘đủ cặp’!

Vấn đề hơn chuyện đồ chơi là việc sắm sửa quần áo khi vào nội trú Pétrus Ký. Triệu đậu cao vào kỳ thi tuyển lựa nên được học bổng, nhưng vẫn có những món chi tiêu phụ huynh phải lo. Nhờ tương trợ máu mủ, những khó khăn rốt cuộc cũng đâu vào đấy và trở thành cơ hội cho Triệu thấm thía tình đầm ấm đại gia đình.

Việc sắm vật dụng để vào học nội trú là cả một vấn đề cho gia đình bên ngoại của Triệu, vì Ông ngoại nay đã về hưu. Muốn vào được nội trú học sinh phải có đủ các món đã được ghi trong một bản kê khai dài. Triệu có cái may là được người cô thứ Tư của Triệu đang có một tiệm may ở Long Xuyên hứa sẽ cho những bộ áo quần phải sắm!

Đúng như giới trung lưu Việt Nam,ông bà ngoại không những nuôi dưỡng mà còn nghiêm túc răn dậy cháu:

... Vào một thời nghỉ lễ Tết, hết việc đi đánh bầu cua cá cọp Triệu lại chỉ lo vò đạn đi bắn với anh Chí, quên lo việc làm bài thầy giáo đã ra đề trước để làm trong các ngày nghỉ lễ.

Hôm hết lễ đi học trở lại, bài không làm kịp nên sáng đó Triệu than bị đau bụng để khỏi đi học. Bà ngoại cưng cháu nên đồng ý nhưng ông ngoại đang làm việc ngoài vườn, thấy Triệu còn nằm nhà nên hỏi lý do. Ông bảo đưa tập vở ra xem, khi thấy Triệu chưa làm xong các bài, ông bắt Triệu phải đi học ngay. Ông căn dặn khi đến trường phải ghi sổ xin đi khám bịnh viện nếu thật sự còn đau. May thay hôm đó thầy giáo không xét bài của Triệu nên Triệu cũng khỏi xin đi ‘khám bịnh’. Chiều hôm đó về nhà, Triệu tưởng là thoát nạn, đâu có ngờ ông ngoại vẫn hạch hỏi xem thuốc nhà thương cho cất đâu? Triệu phải ăn một trận đòn về hai tội: tội nói láo để trốn học vì không làm bài và tội thứ hai là ham bắn chim, mê cờ bạc, đỏ đen ngày Tết.

Nhờ được uốn nắn như vậy nên sau này Triệu mới học đến nơi đến chốn. Để giữ lời hứa với ngoại, không bao giờ Triệu tham dự vào các cuộc bài bạc, mặc dầu có thể bị bạn bè chê là keo kiệt, nhát gan.

Triệu cứ vài chương lại nhớ đến bà ngoại. Cũng như ông ngoại, bà ngoại lo cho Triệu nhiều hơn chuyện cơm áo, và dậy Triệu lối sống hiền lương của gia đình có đạo. Không bằng những lời giảng cao siêu về lẽ luân hồi hay lý bất nhị, bà đã đưa Triệu vào đạo Phật bằng gương sáng hàng ngày.

Triệu ngày trước cũng đã có những ngày theo bà ngoại lên chùa vào các ngày lễ lớn. Thời Kháng chiến đã có nhiều lúc Triệu và các bạn đã tá túc ở các chùa và được nhà chùa chia xẻ thức ăn. Triệu đã từng nghe nhiều thuyết giảng nhưng đó là những bài thuyết pháp có khi rất uyên bác nhưng là những bài thuyết pháp rời rạc. Nay tuy Nghĩa không có nhiều thì giờ giải thích nhưng nhờ những buổi nói chuyện liên tục nên Triệu đã có được ý niệm rõ ràng hơn về những lời Phật dạy. Những chuyện rời rạc trên thế gian nay được đóng vào một khung duyên khởi nên Triệu đã như tìm được chân lý cho những thắc mắc của chính mình...

Bà vừa là ngoại vừa thay thế mẹ Triệu đã sớm qua đời. Triệu đã vô cùng xúc động khi bà mãn phần, tuy rằng anh đã khôn lớn và biết sinh lão bệnh tử là số phận đã làm người không ai tránh khỏi. Nhưng hạt giống đạo lý bà gieo cho cháu những ngày thơ ấu đã nẩy mầm và giúp Triệu tìm lại được an bình:

...Một sáng Chủ nhật, Triệu đã thức sớm, lấy xe đạp đi xa lên phía Bắc. Không khí trong lành, mát rượi buổi sáng đã đưa Triệu đến đỉnh đồi vùng Guétary lúc nào không hay. Ngồi trên đồi này có thể nhìn xa về hướng Tây để thấy các lượn sóng từ Đại dương dào dạt cuốn đập vào bờ.

Trong cảnh mặt trời ửng hồng từ từ nhô lên buổi sáng, tĩnh tọa nhìn về phương Tây, để tâm hồn lắng dịu, vượt qua các đại dương, Triệu chú lòng làm lễ Cầu Siêu cho ông và bà ngoại. Mặc dầu đã được dạy rằng trong các lễ cầu nguyện nên cần có tha lực của nhiều người cùng chú nguyện, nhưng cho đến nay, Triệu vẫn tin rằng lần cầu nguyện đơn côi ấy là lần Triệu thực sự được cảm thông trực tiếp với ông bà ngoại của Triệu.

Sau buổi cầu nguyện, Triệu tiếp tục ngồi lặng yên, tận hưởng những giây phút hiện tại đang được sống giữa cây cỏ, núi đồi, ánh sáng trong suốt buổi ban mai. Triệu lắng nghe tiếng chim hót, Triệu nhìn những con dế hút nước sương trên các cọng cỏ, lá cây ... Triệu chợt thức tỉnh, nghĩ đến những lời dạy của Đức Phật về Luân Hồi, về Duyên Khởi. Những cảnh vật quanh Triệu, từ ánh sáng ban mai đến cơn gió lạnh từ đại dương thổi vào, từ côn trùng đến chim chóc, từ hơi thở đến nhịp tim đang đập mạnh trong Triệu... tất cả đều như hòa hợp duyên khởi nhịp nhàng. Triệu cảm thấy hình ảnh của ông bà ngoại Triệu vẫn còn tiếp tục sống trong Triệu cũng như huyết mạch của ông bà nhiều tiền kiếp vẫn luân lưu trong thân thể Triệu.

Buổi sáng tinh sương trên đỉnh đồi Guétary hôm đó đã đưa Triệu đến con đường vào ánh sáng đạo Phật và kể từ đó, đã giúp Triệu có được một cuộc sống an lạc trong thân tâm.

Một cô cán sự sở xã hội Mỹ chắc khó tưởng tượng được với những phương tiện vật chất giới hạn như vậy, ông bà ngoại của Triệu đã nuôi đuợc đứa cháu mồ côi nên người. Những em bé mồ côi lại nghèo như vậy kể như không có tương lai ở xứ sở giàu nhất thế giới này. Một số trở thành du đãng, sống bên lề xã hội như những người vô gia cư thường gặp. Cô cán sự sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết trường hợp Triệu áp dụng cho gần như tất cả giới trung lưu Việt Nam ít nhất là thời tiền chiến.

Sự tốt lành ấy không phải nhờ người Pháp đang cai trị đất nước mang lại. Nó là truyền thống giáo dục gia đình của giới trung lưu Việt Nam. Gốc nguồn tự nền văn hóa Việt Nam cũ, truyền thống ấy hiện hữu và tồn tại mặc dù chế độ thực dân và những cam go của chiến tranh. Tôi hy vọng truyền thống ấy chưa hư hao bao nhiêu sau nửa thế kỷ xã hội chủ nghĩa tại quê hương.


Giới trung lưu Việt Nam thời Pháp thuộc.


Để thực hiện sự giao dục gia đình ấy, giới trung lưu Việt Nam thời Pháp thuộc đã phải trả một giá rất đắt. Đó là sự nhẫn nhục chấp nhận việc làm bị coi là tầm thường của mình. Cha ông Triệu cũng như các bậc sinh thành ra thế hệ chúng ta ra đời khi đất nuớc đã mất chủ quyền. Thực dân đã hoàn toàn khuất phục được sự chống đối võ trang của Triều đình. Các phong trào ái quốc vẫn âm ỉ, nhưng trên thực tế cuộc sống tiếp tục cho đám đông trong một thứ an bình của trật tự thuộc địa. Trong cảnh ấy, người Pháp độc quyền chiếm giữ những địa vị chỉ huy, từ hành chánh đến thương mại, đến kỹ thuật, đến an ninh... Họ chỉ để lại cho người bản xứ những vai trò phụ thuộc. Cha ông ta tốt nghiệp các trường trung học bảo hộ tuy được kể như giới ‘sĩ phu’ mới, nhưng thực tế chỉ có một con đường gần như duy nhất là làm công tư chức hạng trung hay hạng thấp cho Pháp. Các cụ ngày ngày tám tiếng cặm cụi trên bàn giấy, thi hành phận sự đúng theo yêu cầu thượng cấp là những xếp tây trong tư thế ông chủ có toàn quyền tùy nghi hỷ nộ...

Thời Bảo Hộ, có người viết lách không suy nghĩ coi thường các cụ, thậm chí có khi đem các cụ ra riễu cợt bằng cụm từ ‘Sớm xách ô đi, tối xách về’.  Ít ai trong văn chương hay câu chuyện xã giao nhận rằng cha ông tôi thuộc vào thành phần ấy. Có lẽ cái oai làm cậu ấm cô chiêu trong văn truyện thời tiền chiến khá quyến rũ nên người ta có thể lãng quên, thậm chí xấu hổ vì xuất xứ thanh bần. Người ta dễ ghi nhận sự anh hùng thông thường là tình nguyện những chuyện gan dạ có thể hại đến bản thân để giúp tha nhân. Trong huyền thoại kháng chiến cường điệu, anh hùng là ôm bom ba càng lao vào xe tăng, hay tẩm xăng vào người biến mình thành cây đuốc chạy vào đốt kho đạn địch... Người ta dễ chấp nhận và suy tôn những anh hùng như vậy, dù là những anh hùng hư cấu cho mục đích tuyên truyền...

Tôi không chối bỏ sự hiện hữu của những anh hùng thứ thiệt, mà chỉ muốn ghi công giới tiểu công tư chức thuộc địa và những hy sinh âm thầm mà lớn lao của họ. Quả thật các cụ bất cứ lúc nào cũng có thể xô bàn đứng dậy mắng viên chủ tây rồi nhảy tàu hỏa sang thẳng Trung quốc làm cách mạng... Tại sao các cụ nhẫn nhục chấp nhận ngồi lại với số phận khiêm tốn, những ai thích cường điệu nên tự hỏi. Với chút suy nghĩ, họ sẽ thấy chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà các cụ chịu nhẫn nhục để bảo đảm tương lai cho con cái. Đó là cái giá phải trả để thế hệ sau có cơ hội nên người và phát huy đuợc niềm kiêu hãnh dân tộc mà bản thân các cụ phải tạm quên. Nín thở qua sông, họ đầu hàng hiện tại mà không đầu hàng tương lai cho ngoại nhân đang ở thế thượng phong.

Những người Pháp khi có quyền ở Việt Nam chắc không bao giờ nghĩ ra tại sao giới thuộc viên bản xứ của mình ở sở dễ bảo và ngoan ngoãn là# thế, lương bổng khiêm tốn là thế, mà cảnh sống của họ không xấu xí như cảnh sống của giới ‘đầm nghèo lính túng’ của người Pháp hạ lưu tại thuộc địa. Dù thiếu quan sát, họ cũng thấy ngay sự khác biệt điển hình giữa ông bà ngoại của Triệu trong GMĐB và gia đình cô đầm con trong L’Amant của Marguerite Duras mà cả mẹ con anh em đều vô lại một cách vô tư lự. Nhưng nếu phân tích đôi chút, chắc họ sẽ tìm ra chân lý. Một đằng là lòng tự trọng trong thanh bần của văn hóa Việt Nam mà bậc cha mẹ chúng ta nhờ nhẫn nhục mà giữ được cho bản thân và con cái, đằng khác là cái thê thảm vô lại vô luân của rác trắng.


Triệu sinh hoạt chống Pháp.


Thời cơ đến, sự nhẫn nhục của thế hệ cha anh đã đơm hoa kết trái. Triệu trưởng thành như con dân một nước độc lập. Khi Pháp toan theo chân lực lượng Anh Ấn trở lại Việt Nam, thì như hàng ngàn hàng vạn thanh niên cùng cảnh, anh xung phong vào những sinh hoạt kháng chiến.

Lứa thanh niên ấy sẵn sàng hưởng ứng và tham gia các hội kín chống Pháp. Họ dấn thân tham gia những đoàn thể bí mật, có thể là đệ tam, có thể là đệ tứ, có thể là Quốc dân đảng, có thể thân Nhật, thân Tàu, thân Nga... Cốt yếu là đánh đuổi thực dân, và cốt yếu là ái quốc, còn màu sắc chính trị của những đoàn thể ấy bấy giờ không là điều quan trọng dưới mắt các cô các cậu học sinh.

Họ không tấc sắt trong tay, chấp nhận sự chỉ huy của những cán bộ không có văn hóa là bao, trong một đội ngũ lỏng lẻo không biên chế không tổ chức. Võ khí phải mua sắm lấy, hoặc cây gậy tầm vông, hoặc con dao găm bác thợ rèn góc chợ chế từ khúc nhíp xe hơi phế thải. Ai gia cảnh khá giả có thể xin cây súng hai lòng bắn vịt của cha với năm sáu viên đạn sót lại từ thủa thanh bình, hay khiêm tốn hơn xin tiền mẹ mua quả lựu đạn trong thị trường võ khí chợ đen thường xuyên hiếm hàng. Người du kích không có quân số, không lương bổng, khi chán có thể tự động rút lui mà không bị một thứ quân cảnh nào đi tìm. Chữ đào ngũ không ai nhắc tới. Huấn luyện viên có khi là hạ sĩ quan khố đỏ khố xanh cũ... Chỉ có tinh thần là cao, với những bài hát yêu nước học thuộc lòng mà nửa thế kỷ sau bao vật đổi sao rời Triệu vẫn nhớ:

Mùa thu rồi, ngày Hăm Ba,

Ta đi theo tiếng kêu:

‘Sơn hà nguy biến’

Rền khắp trời, lời hoan hô,

Dân quân Nam nhịp chân tiến đến trận tiền,

Thuốc súng kém, chân đi không,

Mà lòng người giàu lòng vì nước,

Nóp với giáo, mang quang vai,

Nhưng thân trai nào kém oai hùng...

Lãng mạn bao trùm cuộc kháng chiến, bao trùm luôn những người lính Nhật bại trận đã tìm lại được lẽ sống trong vai trò chí nguyện quân giúp việc huấn luyện bộ đội và du kích Việt Nam. Triệu quen Watanabé trong hoàn cảnh này. Anh học được từ người huấn luyện viên Nhật những điều cơ bản quân sự như tháo ráp súng ống, xử dụng mìn bẫy, vân vân... Nhưng điều Triệu ghi nhớ hơn mấy đề tài quân sự là những bài hát Tàu mà Watanabé thuộc lòng, lúc rảnh rỗi chơi lại bằng ống sáo Nhật và dậy lại cho Triệu như Ánh Trăng Trên Cổ Thành, Đêm Trung Quốc, và nhất là Hà Nhật Quân Tái Lai...

Tình bạn vong niên với Watanabé chấm dứt khi Vệ Quốc Quân rút đi. Tuy gấp rút, tuy bí mật quân sự là điều người lính Nhật không xa lạ, Watanabé cũng cho Triệu biết tin trước một hôm. Việt Minh có lẽ ưu tiên cho những đơn vị chủ lực nên coi đoàn du kích của Triệu như một bộ phận ngoại vi phụ thuộc không cần bảo vệ có thể dễ dàng bỏ lại. Tuy nhiên, Triệu nhận bất cứ công tác gì người ta giao cho, từ cứu thuơng cho tới vận tải lương thực, cho tới sinh hoạt văn nghệ. Thậm chí Triệu theo chỉ huy trưởng du kích tham dự trận phục kích công-voa địch. Khi Đơ vị chỉ huy tử trận, bộ đội chính quy đã rút đi, đoàn du kích xem ra bơ vơ. Có lẽ họ chờ trung ương cử cán bộ mới, riêng Triệu không còn ràng buộc gì nên theo gia đình về quê nội rồi từ đó hồi cư đi học lại.

Về thành, Triệu qua học trường Pháp là Chasseloup Laubat vì các thày cũ tại Petrus Ký không còn ai, và bè bạn một số đã bị cộng sản xử bắn. Vào một thời gian mà cộng sản đệ tam đã thẳng tay thanh toán những người yêu nước thuộc nhóm đệ tứ và các giáo phái, Triệu vẫn thấy chống Pháp là chân lý như nhiều người không đảng phái trong hàng ngũ Việt Minh. Anh tiếp tục hoạt động bí mật, làm báo, tồ chức hiệu đoàn, tham gia biểu tình... Anh làm thơ tiếng Pháp để dùng cho việc địch vận, như hai bài MAQUIS và LA FIN D’UN BEAU VOYAGE. Bài đầu ca tụng du kích quân và bài sau mỉa mai người lính Pháp sau một binh nghiệp vẻ vang để giải phóng nước Pháp lại kết cục bằng cuộc chiến ô nhục và vô nhân đạo tại Việt Nam.

Triệu không khước từ những công tác nguy hiểm và có tính cách bạo động. Anh vào bưng biền lãnh lựu đạn mang vào thành cho nổ một ngày lễ lớn để gây hoang mang và bất an cho địch.

Triệu nhận được giấy giới thiệu để vào khu gặp La Văn Liếm, nhân vật khét tiếng, phụ trách Công An thành. Cầm giấy giới thiệu mà Triệu phải ngẩn ngơ vì giấy giới thiệu chỉ là một mảnh giấy thường có kẻ hàng, xé trong một tập vở học trò với ba hàng chữ viết tay lem luốt, gởi gấm người quen. Triệu chờ đợi nhận được một công văn với ấn đóng hẳn hoi thay vì tấm giấy nhỏ, viết chữ lem nhem. Triệu chỉ lo ngại không biết vào khu có gặp được La Văn Liếm không, hay lại có thể bị bắt đi tù vì một cái giấy giới thiệu không giá trị. Mới và Triệu trở vào khu lần này thấy không có gì là khó khăn vì đã biết trước đường đi nước bước. Lần này thì quen thuộc hơn nên đến khỏi Bình Chánh là xuống xe, đi nhanh vào xóm, tháp tùng theo dân chúng địa phương. Vừa vào được khỏi các chòm cây không xa lắm, đã bị ngay các du kích chận lại hạch hỏi. Sau đó Mới và Triệu được người liên lạc đặc biệt dẫn đường đến gặp ông trùm Công an khét tiếng của vùng Đô thành.

Cái tên La Văn Liếm nghe như khôi hài, làm tôi mới đầu tưởng Triệu có ý chống cộng bằng cách dành cho cán bộ của họ bằng một cái tên kỳ cục. Nhưng đọc thêm, quả thật có người tên thật như vậy, và Triệu chỉ có ý định trung thực kể một chuyện anh thực sự đã làm. Anh viết:

Ông La Văn Liếm nằm vắt vẻo trên võng treo trên một bộ ván thấp, tươi cười nhận tấm giấy giới thiệu của Triệu, trong khi bụng Triệu thắc mắc lo âu, không biết cái tấm giấy sơ sài với vài hàng chữ lem luốt ấy quả thật có giá trị gì không! Bỗng nhiên, một câu hỏi của ông Liếm đã khiến những lo âu của Triệu tan biến trong khoảng khắc: ‘Anh là Mã (bí danh của Triệu) phải không? Có người nhờ tôi đưa cho anh thơ này khi gặp anh. Anh xem và đoán được là của ai không?’

Triệu cầm lấy bức thơ cũng được viết trên một trang giấy xé trong một tập vở học trò, có những hàng chữ đều đặn nhưng rất nhỏ. Triệu nhận ra ngay là lối viết đặc biệt của Giáo sư Phạm Thiều. Triệu cho ông Liếm biết là đã nhận được thơ viết tay của giáo sư. Ông Liếm đùa: « Đúng rồi, thơ của ông giáo sư gởi cho học trò ruột của ổng đó. Thầy anh và học trò của ổng chắc ai cũng thiếu ăn nên người nào trông cũng ốm nhom! Lần công tác này, anh đem vô thành võ khí dữ nên phải ở lại đêm, chờ sáng mai sớm, trà trộn theo dân chúng đi chợ Sài Gòn để tránh bị xét ở cầu Renault”.

Đêm ấy, Triệu và anh bạn Mới được giới thiệu đến ngủ đêm trong nhà một nông dân. Chủ nhà có sẵn nóp và chỉ cho hai anh em Triệu lên nằm ngủ ở bộ ván giữa nhà nhưng hai đứa đều thối thoát, xin được ngủ ngoài sân vì cả hai phải khư khư giữ theo mình hai cái cặp sách học trò, mỗi cái chứa ba trái lựu đạn vừa mới được ông Liếm phân phát lúc ban chiều. Chuyến công tác này là công tác ngắn không có gì là mệt nhọc nhưng nguy hiểm. Cả hai đứa đều lo âu, suốt đêm không ngủ được: nếu không may bị xét bắt có mang lựu đạn vô thành thì kể như đời tàn! Cả hai đã thỏa thuận: nếu thấy bị chận xét, phải liều chạy thoát thân, rủi bị bắn thì phải đành cam chịu vậy !


Cô giáo Pháp văn và khúc rẽ quan trọng.


Sau cùng Triệu bị an ninh quân đội Pháp bắt, khi đang học thi tú tài 1. Cuộc sống tới một ngã ba đường quan trọng. Nếu quả lựu đạn anh gài tại trường làm chết người, dù bạn học hay nhân viên công lực đối phương, nếu cuộc biểu tình bãi khóa bãi thị thành công làm anh quan trọng và nguy hiểm cho Pháp, thì anh đã bị đánh đập tra tấn nặng nề, rồi hành hình hay đầy đi Côn đảo.

Trong trường hợp thứ hai, trường học của anh từ đây là nhà tù, và ban giảng huấn là các cán bộ lão thành tình cờ cũng đang bị giam cầm. Vài năm sau Triệu sẽ tốt nghiệp thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Lập trường chính trị, phương thức hành động, thậm chí thủ đoạn sẽ mang dấu ấn cả cuộc đời về sau của những người thầy mà cũng là bạn tù này.

Nhưng chuyện đó không xảy ra. Anh không có cơ hội thụ huấn trong nhà tù, mà gặp một người thày giáo hoàn toàn khác với đám tù già côn đảo. Đó là cô giáo Ch. dậy môn Pháp văn tại trung học Chasseloup Laubat. Cô có chồng là đại tá không quân đang phục vụ trong quân đội Pháp tại Sài Gòn, trong tư thế xếp lớn của cơ quan an ninh quân đội viễn chinh.

Triệu sẵn có khiếu Pháp văn, nay lại được trau dồi bởi một giáo sư có nghiệp vụ cao nên khả năng ngoại ngữ đã cứu mạng anh. Sự cố như sau:

Triệu có may mắn được học hai năm liền với giáo sư Ch. trước khi thi Tú tài phần Một. Khi Triệu tiên khởi lên học ban Tú tài thì bà Ch. cũng bắt đầu dạy Pháp văn khi theo chồng đến Việt Nam năm đầu tiên. Vì Triệu viết các bài luận Pháp văn khá nên được bà chú ý. Từng là trí thức đã có thời tham gia kháng chiến chống Đức Quốc xã khi nước Pháp bị chiếm đóng lúc xảy ra Đệ Nhị Thế Chiến nên bà có những ý nghĩ rất dân chủ, cởi mở. Triệu đã được bà coi như học trò ruột và bà đã tìm hiểu xem Triệu đã học viết Pháp văn với những ai. Triệu thú nhận đã có lúc thích Anatole France nên đã mượn hầu như hết tất cả sách của Anatole France trong tủ sách của gia đình Nguyễn An Ninh ở đường Hàng Thị Gia Định. Đọc cả năm mà không bắt chước viết được. Sau vì thích đọc truyện Les Misérables của Victor Hugo, đọc tới lui trên bốn năm lần như từng thích đọc truyện Tam Quốc nên từ đó, chắc đã nhiễm cách viết của Victor Hugo lúc nào không hay!

Nhân viên mật thám sau khi đánh đấm thị oai, đã có ấn tượng với khả năng Pháp văn của Triệu. Gặp lúc khan người vì nhân viên nghỉ phép, chúng bắt Triệu dịch gấp một số tài liệu bắt được của kháng chiến để kịp nộp cho xếp đọc. Triệu hoàn tất công việc sau một đêm làm việc, và nộp những bản dịch cho viên đội an ninh. Lát sau một đại tá Pháp trở lại ra lệnh mở cửa phòng giam cho ông ta xem mặt Triệu. Thằng tây con theo bố là ông đại tá nhận diện Triệu đúng là bạn cùng truờng, và đang học với mẹ nó. Hóa ra xếp lớn của an ninh quân đội Pháp lại chính là chồng bà giáo văn.

Ông đại tá cho Triệu chuyển trại sang khu quân lao để bảo vệ tính mạng cho anh, vì cách đó không lâu nhân viên an ninh Pháp đã đem hai người tù binh ra bắn trả thù sau khi một đồng bạn của họ bị ám sát. Rồi ông giao cho Triệu dịch ra Pháp văn bản Việt ngữ cuốn sách lược cách mạng soạn lại cho nông dân Tàu từ sách nguồn cộng sản Nga soạn cho thợ thuyền Âu châu. Sau cùng ông phóng thích Triệu theo lời yêu cầu của vợ.

...Đến ngày thứ sáu, Triệu được đưa lên gặp lại Đại tá Ch. Ông cho Triệu biết sẽ được tha về nhà trong buổi chiều để có thể tiếp tục trở lại đi học, với điều kiện không được rời khỏi thành phố và phải đến trình diện mỗi khi có lịnh gọi. Sau buổi ăn trưa, Triệu lại được đưa lên văn phòng Đại tá Ch.. Triệu vô cùng ngạc nhiên thấy bà giáo sư Ch. cũng có mặt tại đó. Ông Ch. lấy lý do cần xuống trại một lúc, có lẽ để bà Ch. nói chuyện riêng với Triệu. Bà cho Triệu biết bà không có ý muốn trách cứ Triệu về việc làm của Triệu. Trong thời còn trẻ, khi Pháp bị Đức chiếm đóng, bà cũng đã có những hoạt động như Triệu. Nhưng sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, những diễn biến chánh trị ở Âu Châu đã đem lại cho bà và những người đồng chí nhiều kinh nghiệm mà những người còn trẻ và hăng say như Triệu chắc chắn rồi sẽ nhận thấy về sau này. Bà chỉ muốn Triệu hãy tiếp tục con đường học vấn để sớm thành tài, có được thời cơ giúp nước trong tương lai hữu hiệu hơn. Chính bà đã xin cho chồng bà thả Triệu để Triệu có thể tiếp tục đi học. Chuyện về sau, quyết định sẽ tùy Triệu, nhưng bà mong là Triệu sẽ không làm bà thất vọng. 

Triệu chỉ biết cám ơn bà thầy đã thật tình lo âu cho Triệu. Hai thầy trò sau đó đã rơm rớm nước mắt, chia tay khi chồng bà trở lại, đưa cho Triệu giấy xuất trại. Triệu được người trong văn phòng cho xe đưa về nơi bị giam đầu tiên để lấy lại xe đạp, lòng đầy lo âu, lầm lũi đạp trở về chợ Bà Chiểu.

Cảm tình của bà Ch. với Triệu tiếp tục sau khi anh được tha về đi học lại. Bà sung sướng khi thấy văn tài của Triệu được một giáo sư Pháp khác khen lao:

... Trước ngày thi Tú Tài, ở trường có tổ chức cuộc thi thử để tập dợt thí sinh cho quen khung cảnh ngày thi. Triệu không quên được cảnh bà giáo sư Ch. khi bà mừng rỡ gọi Triệu giữa sân trường để cho biết là bài luận Pháp văn của Triệu do một giáo sư khác chấm đã được điểm rất cao. Bà nói: ‘Mầy cứ vững tâm học đi. Việc này chứng tỏ mầy đã có điểm tốt với tao không phải vì tao có thiện cảm với mầy. Nay mầy có thể tin như vậy’. Được thầy nhận thức như thế quả đã giúp cho Triệu thêm được lòng tự tin để quyết tâm đeo đuổi việc học.

Triệu lên đại học, bà vẩn nhìn theo bóng dáng cậu học trò cưng. Và khi cơ hội đến, bà tìm Triệu để giúp anh xin học bổng sang Pháp để theo học trường y tế hải quân. Sau đấy cô giáo và học trò giữ liên lạc với nhau, không thường xuyên nhưng chắc đủ để bà được biết những thành quả của Triệu trên đường đời.


Bao giờ anh trở lại?


Người làm sao chiêm bao làm vậy. Có lẽ vì Triệu bản chất văn nhân nên ngoài cô giáo văn còn có may mắn gặp Watanabé. Cả hai không chủ tâm mà minh họa cho Triệu ý niệm tốt lành, là những sinh hoạt cao cấp của con người như văn chương nghệ thuật có thể lý giải được hận thù. Triệu đã ghi lại câu chuyện Watanabé như sau:

...Hằng ngày Triệu vẫn đến sinh hoạt cùng bộ đội Vệ Quốc, học tập quân sự với một sĩ quan quân đội Nhật tình nguyện ở lại Việt Nam. Người Nhật, tên Watanabé nầy được gởi tá túc ở nhà ông Kinh lý Nhơn vì trước kia, ông đã từng có cơ hội tiếp xúc giao thiệp với quân đội Nhật. Ngoài việc dạy tháo ráp, bảo trì súng ống, sử dụng lựu đạn, mọc chê, gài mìn bẫy...anh Watanabé thường hay đến gặp Triệu để dạy Triệu hát cho đúng tiếng Nhật các bản Đêm Trung Hoa ( Shina Noyoru), Tango Chinois (Hà Nhật Quân Tái Lai)...vì Triệu thường đàn mandoline và nghêu ngao cùng hát các bản này với anh. Anh lại có thêm biệt tài thổi sáo Nhật, loại sáo thân rất to, tiếng trầm buồn, không réo rắt cao vuốt như tiếng sáo Việt...

Bản chất là một bài thơ phổ nhạc nên Hà Nhật Quân Tái Lai có hai tác giả, một thi sĩ một nhạc sĩ. Họ thuộc về nhóm văn nghệ sĩ cánh Tả của Thượng Hải. Nhóm có những sao sáng như Lỗ Tấn, Tào Ngu vân vân, và một ngôi sao sáng vừa hay không sáng về kịch nghệ là Giang Thanh. Nữ nghệ sĩ hạng C này về sau ly dị chồng để lấy Mao Trạch Đông. 

Cả hai tác giả của Hà Nhật Quân Tái Lai bị tay chân của Giang Thanh đầy đọa, còn bài hát bị gọi là loài cỏ độc. Chuyện thị phi cho rằng sự trù yểm nguyên do là tình bạn giữa nhà thơ tác giả với chồng cũ của Giang Thanh. Cố nhân có cái tội lớn là đã trốn sang Hồng Kông mở tiệm cơm Tàu, lại đem những ảnh của vợ cũ thời còn đầu gối tay ấp với nhau treo trong tiệm để câu khách. Hành động sỗ sàng đem lại lợi nhuận cho người nghệ sĩ tỵ nạn trở thành đầu bếp, nhưng gây khó khăn cho bè bạn còn ở lại.

Bây giờ thì Giang Thanh đã qua đời, cũng như chồng cũ chủ tiệm cơm Tàu, cũng như hai tác giả của Hà Nhật Quân Tái Lai. Bài hát sau cùng được phục hồi tại lục địa Tàu cũng như Đài Loan. Trình diễn bởi Teresa Chen, Hà Nhật Quân Tái Lai chinh phục được hàng triệu thính giả Tàu, quốc cũng như cộng, lại thê vài triệu thính giả nữa của xứ anh đào hoa lệ.

Trở lại Hà Nhật Quân Tái Lai như một tác phẩm tâm lý chiến, bài hát đã đóng góp rất nhiều cho cuộc kháng chiến chống Nhật. Hàng ngàn hàng vạn thanh niên Tàu nghe bài hát đã xung phong nhập ngũ. Ảnh huởng trên nữ giới cũng mãnh liệt không kém, chàng biết đền nợ nước thì thiếp cũng biết đền nợ nước. Phụ nữ Tàu tự vẫn hàng loạt, dụng ý lấy cái chết của mình chấm dứt chuyện riêng tư để nam giới không còn chia trí khi đánh giặc. Sự việc Tàu tất nhiên rất Tàu, cùng một mạch văn với sự tích Kinh Kha qua sông Dịch Thủy để diệt bạo chúa. Phàn Ư Kỳ bạn thân của Kinh Kha đang bị vua Tần truy nã đã tự vẫn và biếu dũng sĩ thủ cấp của mình để làm quà ra mắt mà mua được cơ hội tới gần vua Tần... Sức công phá của bài hát tâm lý chiến có thể nói mạnh xấp xỉ một quân đoàn. Không có Hà Nhật Quân Tái Lai, thương vong của quân đội viễn chinh Nhật chắc sẽ giảm thiểu rất nhiều.

Vậy mà Hà Nhật Quân Tái Lai đã chinh phục được luôn lính Nhật ngay trong trận giặc ấy. Bản thân Watanabé đã thuộc lòng bài hát. Về sau bại trận trốn ở lại giúp Vệ Quốc Quân, Watanabé vẫn tâm đắc với bài hát và dậy lại cho Triệu.

Watanabé nghĩ gì mà say mê Hà Nhật Quân Tái Lai? Anh nghĩ gì khi binh nghiệp một đời của bản thân cũng như tham vọng một Đại Đông Á của nước anh đã thành tro bụi. Nhục nhã hơn nữa là vua anh đã đầu hàng vô điều kiện sau hai quả bom nguyên tử, và các tướng lãnh cao cấp của Nhật bị đem ra xử tại tòa án Mỹ và thụ hình bằng lối treo cổ như một thường phạm đắc tội với nhân loại.

Phải chăng sau suốt chiến dịch tương đối dễ dàng truớc một đối thủ thiếu võ khí tối tân, Watanabé đã thấy cái phù du của những chiến thắng giai đoạn và những vinh quang nhất thời, nối tiếp bởi những nhục nhã của kẻ bại trận. Còn lại chung cuộc chỉ là cái ân hận vì đồng đội anh và biết đâu vì chính anh đã phạm những tội ác phi nhân với người Tàu, bất cứ lính hay dân, đàn ông hay đàn bà, người lớn hay trẻ con vô tội.

Phải chăng tất cả cuộc phiêu lưu quân sự sang Trung quốc, cái độc nhất anh còn muốn nhớ là nghệ thuật của một bài ca bất hủ, dù là nghệ thuật của kẻ thù. Và chính tác phẩm văn hóa ấy, mặc dầu nội dung chống Nhật, mà có lẽ chính vì nét chống Nhật đã giúp anh ân hận rồi khoan nhượng với bản thân.

Vô tình hay cố ý, chuyện Watanabé và chuyện bà Ch. cùng một mẫu số chung là lòng khoan nhượng. Tiếng Pháp đẹp như cô giáo văn đã giúp Triệu khoan nhượng với tội ác thực dân. Tương tự như thế nhưng theo một chiều hướng khác, cái đẹp của Hà Nhật Quân Tái Lai đã giúp Watanabé khoan nhượng với chính bản thân và những tội ác cộng nghiệp hay cá nhân của lính Nhật.

Cường độ và mực thước có khác nhau, bài ca tâm lý chiến Tầu Watanabé thích và bài luận Pháp văn của Triệu có cùng tác dụng là minh chứng giá trị văn học nghệ thuật trong việc hàn gắn hận thù. Cà hai là một thứ thuốc cao hiệu nghiệm để dán lên nhưng vết thuơng chưa lành của hai bối cảnh lịch sử đáng tiếc... Nếu ai cũng thích văn chương và âm nhạc, thì biêt đâu có ngày thế giới sẽ không còn chiến tranh.


Giá là tiều thuyết.


Tự truyện của Triệu có nhiều tình tiết nếu khai triển thành tiểu thuyết có lẽ sẽ cho độc giả một cái nhìn vào cõi nhân tâm và khám phá được đôi điều xinh đẹp. Nhưng nằm trong tự truyện, chúng vấp phải sự ngại ngùng thường tình của một người viết không muốn phơi bầy chuyện riêng tư bản thân.

Ngay trong dạng tự truyện bây giờ, sự ngại ngùng ấy đã hiển hiện trong cách xưng hô giữa bà Ch. và Triệu. Chữ Mầy bà gọi Triệu chắc nguyên bản là chữ Tu đa dụng của Pháp văn mà tiếng Việt không có. Như các bạn đã biết, nó có thể dùng cho mọi giao tình thân mật, từ trong gia đình giữa con cái cha mẹ cho đến luyến ái nam nữ giữa người yêu với người yêu...

Nhưng tôi ngạc nhiên khi Triệu dịch chữ Tu thành Mầy. Anh am thông cả hai ngôn ngữ, đã từng viết tự sự bằng tiếng Việt và làm thơ địch vận bằng tiếng Pháp, lẽ ra anh dư biết cảnh học đường chỉ cần dùng hai chữ Cô và Em là vừa chuẩn vừa chỉnh. Phải chăng dùng hai tiếng Mầy Tao tuy là  hơi quá tay, Triệu có chủ tâm trấn áp những cảm tình lạc đề mà anh nhất định không muốn nhận diện. Có lẽ cũng cùng một tâm lý ấy khi Triệu dùng chữ Thày để chỉ định cô giáo, hầu như chàng trai mới lớn chỉ muốn ghi nhận chức năng sư phạm mà không muốn ngó ngàng gì đến nữ tính của đối tượng.

Tôi nghĩ không phải mình Triệu lúng túng, mà cô giáo văn cũng không tự nhiên một cách duyên dáng trong liên hệ. Hãy nghe lại lời cô nói với Triệu giữa sân trường trung học:

 ‘Mầy cứ vững tâm học đi. Việc này chứng tỏ mầy đã có điểm tốt với tao không phải vì tao có thiện cảm với mầy. Nay mầy có thể tin như vậy’. Được thầy nhận thức như thế quả đã giúp cho Triệu thêm được lòng tự tin để quyết tâm đeo đuổi việc học.

Chuyện Mầy Tao đã đề cập ở trên không cần phân tích thêm. Nhưng cái cách hoán chuyển hai mệnh đề của câu nói cũng đáng ghi nhận. Mệnh đề ‘mầy học giỏi’ tưởng như chính mà hóa ra phụ. Trái lại mệnh để phụ ‘tao có thiện cảm với mày’ thật ra là mệnh đề chính, thậm chí là sứ điệp quan trọng nhất mà cô muốn thông tin cho Triệu.

Mối tình đẹp mà nhẹ như Hoa Vông Vang của Đỗ tốn, nên chi người đọc ao ước rằng giá Triệu viết tiểu thuyết. Nhưng rồi tôi thấy hư cấu thêm về giao tình giữa Triệu và cô giáo văn không phải là chuyện dễ. Những gì Hải Mã viết xuống giấy về hai nhân vật của GMĐB đã xác định cung cách và tính tình của họ.

Tôi không còn bao nhiêu tự do hay chọn lựa khi viết thêm về giao tình của họ, mặc dầu có nhiểu mô-típ có sẵn trong văn học về luyến ái giữa trai Việt và phụ nữ Pháp. Thật vậy, chuyện của Triệu không thể ép vào mô-típ kiểu L’Amant của Duras. Mối tình của nhà văn nữ này nặng về dục tình, mà những người Pháp trong truyện lại quá lam lũ không hẳn chỉ về tài chánh (và họ không nghèo đến thế) mà còn về tư cách con người. Hai anh trai của cô đầm chai sạn và vô luân, thản nhiên hưởng thụ những lợi lộc em gái mang lại nhờ trao đổi thân xác với anh nhân tình bản xứ hào phóng. Bà mẹ cũng không tốt lành hơn bao nhiêu... Gia đình Pháp này thật phù hợp với từ rác trắng (white trash) để chỉ thiểu số những người trắng vô lại sống bên lề xã hội thuộc địa. Triệu không có rác trắng trong truyện của anh.

Ân tình của Triệu cũng không thích hợp với những mô-típ yêu đương giữa sinh viên du học và gái Pháp. Các cô đầm mắt xanh tóc vàng có lẽ ngoài đời mộc mạc như gái thợ hay gái quê, đã được sự tưởng tượng của chàng trai Việt biến thành cô gái hàng xóm thùy mị và gia thế. Nàng có khi xõa tóc thổi sáo bên hồ, có khi thỏ thẻ hỏi rằng nơi quê hương xa xăm, chàng có phải là hoàng tử hay cậu ấm con quan... Truyện như vậy mỏng và không hiện thực. Và khi nàng vừa xong việc vẫy tay giã từ con tầu hồi hương của chàng tại ga Lyons, thì dư âm trong lòng người đọc cũng vừa tan.

Còn về dạng nàng già hơn chàng, thì những mô-típ như Francois le Champi yêu bà mẹ nuôi của George Sand, hay như cậu út trong Le lys dans la vallée của Honoré de Balzac yêu bà hầu tuớc sống trong lâu đài láng giềng, tuy giải quyết được đòi hỏi về tuổi tác nhưng lại hỏng về xuất xứ và bản chất của sự luyến ái. Sau cùng mô-típ Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng thì sự khác biệt về cường độ và nét năng động lại còn trầm trọng hơn...

Giao tình của Triệu và cô giáo kén chọn mô-típ như thế có lẽ tại bản chất nó là một bức tranh chấm phá. Ý và lời có đấy nhưng không ai đánh vần ra. Màu sắc lại không ồn ào, mà nhẹ như sương khói. Cố gắng mượn cái nhịp điệu của câu chuyện như tôi đoán, có lẽ tôi sẽ hư cấu đoạn kết sau đây. Tôi sẽ viết chương cuối là cảnh một cặp vợ chồng Pháp trí thức, sau những năm dài phục vụ tại Việt Nam về hưu tại một làng nhỏ vùng Provence. Ở hải ngoại quá lâu, họ không nhiều bạn nhưng vợ chồng già tâm đắc với nhau. Họ giải trí bằng cách thỉnh thoảng lên Paris cuối tuần để nghe nhạc hay xem kịch... Và họ cùng hay nhắc lại với nhau những kỷ niệm về vùng đất nhiệt đới mà họ yêu cả người lẫn cảnh, có khi với chút ngậm ngùi vì những tàn ác của quân đội Pháp và chánh sách thuộc địa của nước họ tại Việt Nam.

Hoài niệm của cô giáo văn tất nhiên có Triệu ở trong, thỉnh thoảng được nuôi dưỡng bởi những tin tốt lành về nguời học trò cũ. Bà biết anh đã thành tài, đã phục vụ trong Hải quân như một y sĩ, đã thương lính thương bệnh, và tuy không tham tiền cũng đã kiếm được một cuộc sống phong lưu của người thày thuốc tận tâm. Có thể bà đặc biệt vui mừng khi Triệu đã có cơ hội làm bộ truởng trong một nội các của miền Nam. Nhưng nỗi vui lớn nhất là khi bà nhận được cuốn Gió Mùa Đông Bắc.

Và một ngày đông giá, phu trạm mang cho bà cuốn GMĐB của Triệu. Đúng như bà vẫn nghĩ, người học trò ngày xưa có hoa tay với lời cũng như với ý, đã không bỏ phí năng khiếu thiên phú mà bà đã góp phần khuyến khích. Trong khi ông đại tá hồi hưu ra ngoài mang thêm củi khô vào nhà, bà ngồi đợi chồng bên lò sưởi, cuốn GMĐB đặt trên đùi với đoạn văn nhắc đến bà đã được dịch ra Pháp Văn trên mấy trang giấy rời gấp theo. Với cô giáo văn, nỗi vui nào có thể hơn nỗi vui cầm trong tay thành quả văn học của học trò cũ. Bà sung sướng thấy lại lối viết trung thực mà nhậy cảm của Triệu ngày xưa, phần nào phản ánh lời bà căn dặn rằng cái hay của văn chương là trung thực với đời sống, và nhất là với mình. Và trên môi bà giáo văn già nở nụ cười rất đẹp.

Ông đại tá mang củi vào thấy nụ cười không có địa chỉ trên môi vợ. Tất nhiên là lịch lãm như thường lệ, ông không tra hỏi. Vợ ông mời ông đọc. Làm bộ hồn nhiên ông đón mấy trang giấy rời vợ đưa cho xem. Đọc xong ông hiểu nụ cười của vợ.

Ông trùm tình báo quân đội cũ phân tích một cách nghiêm túc và rất nhanh trong đầu. Nụ cuời của vợ 98% là nụ cuời toại nguyện của một cô giáo. Một phần trăm còn lại là cái ranh mãnh, vì cuộc sống của Triệu nói chung thuận lợi, trừ hai cái bạt tai tên đội thuộc viên của ông đánh phủ đầu. Phải có vài miligram tưởng tượng mới có thể ví đời Triệu với cuộc hải hành dưới gió mùa đông bắc của vùng duyên hải Việt Nam. Triệu học hành đỗ đạt, được đời ưu ái đãi ngộ. Trẻ thì có dịp theo lý tưởng của người trẻ và dấn thân vì lòng yêu nước; khi lập gia đình thì lấy được người mình yêu; ra trường thì nghề nghiệp chuyên môn cũng như chức phận hành chánh và chính trị đạt được cao điểm.

Một phần trăm cuối cùng còn lại của nụ cười chắc ông không bao giờ hiểu, và tôi phải xen vào để cắt nghĩa. Là cô giáo văn nghĩ bụng Triệu khi đi học thì thông minh và tinh ý là thế, chuyện ngữ vựng văn phạm thậm chí phép tắc hành văn nói một lần là lãnh hội ngay, vậy mà nhiều thứ rành rành trước mắt anh vẫn không chịu ghi nhận. Có thể đàn ông là vậy. Triệu vô tâm như chồng bà, chẳng nhẽ cứ mỗi lúc mỗi đi theo mà đánh vần mọi chuyện...

Còn nữa, mấy trang truyện Triệu chuyển ra Pháp văn làm bà nghĩ đến cái sức mạnh của dịch thuật. Năm xưa nhờ dịch cho chồng bà tài liệu kháng chiến và xấp lý thuyết cách mạng nông dân của Mao mà Triệu thoát hiểm. Bây giờ dịch cho bà tuy chỉ vài trang, Triệu đã làm được một ảo thuật khác không kém nhiệm màu. Anh đã tìm lại được cho bà một quãng đời đánh mất.

Bà toan dùng đến tựa cuốn truyện đã thành cổ điển của Proust để khen Triệu trong lá thư sẽ gửi cho anh. Nhưng rồi bà đổi ý, cho rằng tuy hiểu đến nơi đến chốn ‘A la recherche du temps perdu’, Triệu có lẽ không thích Proust. Ít nhất anh không thích nhà văn trí tuệ này bằng thích Victor Hugo. Bà nhớ Triệu chưa bao giờ ồn ào tán thán Proust như nhiều bạn Việt Nam của bà trong giới trí thức thuộc địa bấy giờ. Bà biết Triệu không nghĩ thích Proust là điều kiện phải có như một tấm thẻ hội viên của giới thượng lưu thời thượng An Nam thân Pháp...

Hai nhân vật nữ khác là Duy Thảo và Lý cũng có thể thành đề tài tiểu thuyết. Nhưng tôi không đủ khả năng để tiểu thuyết hóa họ. Lý do là tôi rất vụng khi dựng nhân vật nữ Việt Nam. Tôi thấy tâm lý phái đẹp rất phức tạp, và tôi sẵn sàng thú nhận là các nữ độc giả cho rằng những đàn bà trong truyện ngắn truyện dài tôi dựng không cư xử đúng như họ nghĩ.

Tôi chỉ biết thán phục Triệu đã xử lý được việc khó khăn là yêu hai người đàn bà một lúc. Lái thuyền buồm ngược gió có thể học tại quân truờng Brest, nhưng lái cuộc đời qua cõi nhân tâm sóng gió của người nữ rầy rà hơn nhiều. Vậy mà mối nhức đầu không nhỏ ấy, Triệu đã giải quyết một cách đã êm thấm lại trọn nghĩa vẹn tình. Duy Thảo trở thành vợ, và Lý trở thành người bạn chung thủy của cả hai vợ chồng. Hai người đàn bà thân nhau như chị em, sẵn sàng giúp nhau những lúc khó khăn. Chỉ tiếc GMĐB không chỉ vẽ tường tận phương án, bài học sẽ có giá trị lớn về lý thuyết tâm lý học đàn bà. Hơn nữa nó còn giúp cho giới đàn ông nói chung khi có ai lâm vào cảnh yêu quý hai người đàn bà một lúc...


*

Hải Mã còn kể nhiều nữa, như về sinh hoạt khuynh tả bên Pháp của anh trong tư cách một người trí thức tại Paris dù quốc tịch nào. Triệu cũng kể lại thời chấp chánh trong nội các ông Thiệu. Không sống tại quốc nội thời gian ấy, lại cũng không có khoảng cách lịch sử, tôi không có một cái nhìn cặn kẽ về những câu chuyện như vậy. Tôi chỉ đoán công việc anh khó khăn thời làm bộ trưởng xã hội. Khi trọng tâm mìền Nam là chiến tranh sống còn, những ưu tiên về quốc phòng không để lại bao nhiêu phương tiện cho lãnh vực anh hoạt động.

Tôi không muốn bỏ xót một vài chi tiết nói lên cái nhìn thoáng rộng của chính khách miền Nam nói chung. Mặc dầu quá trình kháng chiến cũng như giao tình chung thu#y của anh với bè bạn dù họ sống và làm việc bên kia chiến tuyến, Triệu không bị phiền hà gì trong sự nghiệp của mình. Ngay khi một bạn cũ lên đài phát thanh Hà Nội kêu gọi chính tên anh để nhờ anh giúp đỡ vào thời Mỹ tăng gia oanh tạc Bắc Việt, anh không bị phiền hà gì khi câu chuyện được báo cáo lên tổng thống Thiệu. Miền Nam sau cùng thua trận vì những bất hạnh lịch sử, vì những lỗi lầm của mình, và nhất là những lỗi lầm còn quan trọng hơn của một đồng minh khó cộng tác và thiếu chung thủy là Mỹ. Nhưng cùng với sự tự do ít nhất về sách vở, văn học, tư tuởng, và cái tình người trong cũng như ngoài thân tộc khi xử lý bổn phận chính trị và hành chánh, tất cả những thứ ấy tới từ truyền thống cũ và đã tồn tại qua thời thuộc địa. Tôi hy vọng truyền thống ấy sẽ tồn tại trong lòng dân chúng dù dưới thể chế gì, vì đó là vẻ đẹp cần bảo tồn cho văn hóa đất nước.

*

Sau cùng khi cho ra mắt tác phẩm của mình, người cầm bút chờ đợi những gì. Thói thường, người ta chờ mong một giải thưởng văn học, một số lượng độc giả kỷ lục, những yêu cầu tái bản liên tiếp, một danh vọng lâu dài trên văn đàn, thậm chí một lợi nhuận đáng kể... Gặt hái được thành quả nào trong danh sách ấy tùy thuộc nguời viết, người đọc, và nhiều yếu tố khác như thị hiếu đương thời và khẩu vị của quần chúng. Không ai viết một tác phẩm văn học mà dám quyết tâm từ lúc khai bút là sẽ thành công như thế nào.

Nhưng người ta có thể quyết định ngay khi hạ xuống giấy hàng chữ đầu tiên, là sẽ trung thành với sự thật, ít nhất sự thật mình ghi nhận được. Hải Mã đã làm được việc ấy khi viết GMĐB. Và chính sự thành thật ấy đã làm tác phẩm của ông thành một bức tranh đáng tin cậy về tâm cảnh một người trí thức suốt những năm cuối của thời Pháp thuộc cho đến bây giờ. Đồng thời nó vinh danh giới trung lưu Việt Nam, mà tôi nghĩ là cái nguồn năng lượng không bao giờ cạn cho khả năng phục hồi của quê hương. Độc giả có thể đồng ý hay không với góc nhìn của Hải Mã, nhưng không thể không quý mến sự trung thực và cung cách sống của Triệu.


M.K.N.

Long Beach Tháng 3, 2010

2 comments:

  1. Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu, Nguyên Tổng Trưởng Xà Hỗi VNCH thời TT Nguyễn Văn Thiệu vừa qua đời.
    Chúng tôi giới thiệu Bài Viết sau đây của NV Mai Kim Ngọc (BS Vũ Ðình Minh) viết về Tác Phẩm "Gió Mùa Ðông Bắc".Bài Viết đăng trên Y TẾ Nguyệt San số 3-4/2010.
    Trân trọng giới thiệu
    Vũ Tùng Văn

    ReplyDelete
  2. BS Trần Nguơn Phiêu
    (06/24/2011 04:39 AM) (Xem: 642)


    Bs Trần-Nguơn-Phiêu sinh năm 1927 tại Gia-định. Lúc trẻ, thường sinh-sống ở hai nơi, quê nội Cao-lãnh (Sa-đéc) và quê ngoại Biên-hoà. Năm 1945, Hoàng-đế Bảo-Đại tuyên-bố đất-nước độc-lập chưa được nửa năm thì hai sự-việc lớn xảy ra cho nước ta trong vòng một vài tháng: trong nam, tháng ba, Phong-trào Thanh-niên tiền-phong vô-cùng sôi-động lôi-cuốn quần-chúng thanh-niên thanh-nữ sau tham-dự vào cuộc Nam-kỳ Kháng-chiến. Chàng thanh-niên họ Trần đã tham-gia như các thanh-niên yêu nước cùng thời. Ngoài bắc, tháng 9, lập nền Cộng-hòa. Chẳng bao lâu, Thanh-niên tiền-phong phân-tán: một nhóm theo VM, nhóm không theo bị tàn-sát. Chàng Trần tưởng là Pháp giết hại nhưng được chỉ cho biết là chính Việt-minh, nhóm Tự-vệ-cuộc cuả Dương-Bạch-Mai, đã làm việc này. Cuộc nội-chiến quốc-cộng đã xảy ra từ lâu, trước các vụ đánh nhau thực-sự vào giữa năm 1946, lâu trước năm 1954 và 1975!

    Chàng trai họ Trần đã trở lại với sách-vở học-đường, theo học ngành y tại trường Hải-quân Bordeaux, về nước phục-vụ rồi trở thành Y-sỹ-trưởng Hải-quân. Các đồng-nghiệp bên Hải-quân đền biết dấu-ấn của anh Phiêu để lại trong ngành. Riêng tôi bên dân y, vì có một thời chịu một phần trách-nhiệm trong việc yểm-trợ y-tế nông-thôn, đã thấy tận mắt, dấu-ấn anh để lại trong ngành y-tế. Khi tôi thăm-viếng hệ-thống y-tế nông-thôn ven biển, đã được thấy những cơ-sở tuy đơn-sơ nhưng rất hữu-hiệu mà quân-y hải-quân đã thiết-lập hay đã yểm-trợ cho các cơ-sở cơ-hữu của bộ y-tế: đó chính là những công-tác quân-y dân-sự-vụ của bên hải-quân trong sáng-kiến và dưới sự chỉ-dẫn điều-hành của Bs Phiêu.

    Các năm 65-70, Bs Phiêu tham-chính làm tổng-trưởng xã-hội. Bên ngoài chính-phủ, những năm 1970 ở Việt-Nam, Bs Phiêu đã lãnh-đạo Y-sỹ-đoàn. Sau này, ở Hoa-kỳ, anh cũng lại ở trong vai-trò lãnh-đạo với trách-nhiệm chủ-tịch Hội-đồng Quản-trị Hội Y-sỹ Việt-Nam tại Hoa-kỳ.

    Bs Phiêu cũng viết sách, viết báo và hoạt-động chung với Việt-Nam Center ở Lubbock, muốn ghi lại, để lại cho người đời và các thế-hệ sau, những gì anh hiểu và biết về nước ta, về dân ta và về cuộc tranh-đấu không ngừng trong 2/3 thế-kỷ qua, từ ngày Hoàng-đế Bảo-Đại tuyên-bố độc-lập tháng 3 năm 1945 cho tới ngày hôm nay, 11 tháng 6 năm 2011. Cuộc tranh-đấu cho tự-do, cho nhân-quyền, cho sự sống-còn của quê-hương xứ-sỏ vẫn còn tiếp-tục.
    Hôm nay ở tuổi 85, Bs Phiêu có thể hãnh-diện mà nhận sự vinh-danh của các hội-đoàn và thân-hữu vì anh đã hiến cả một đời tận-tụy để phục-vu dân ta, phục-vụ y-khoa và phục-vụ quê-hương xứ-sở.

    Bên cạnh con người tận-tụy đó, còn có một bóng hồng luôn-luôn chia-sẻ lý-tưởng và giúp-đỡ chồng con trong mọi hoàn-cảnh. Một thí-dụ nhỏ mà tiêu-biểu: tháng 4 năm 75, khi anh Phiêu được phương-tiện di-tản, chị Phiêu không nỡ bỏ sinh-viên trước ngày thi cuối năm mà chị cũng không muốn chồng gặp nạn như những thủ-lãnh Nam-kỳ Kháng-chiến ngày trước. Chị đã bắt chước một nhân-vật tiểu-thuyết thúc-dục anh ra đi mà nói: “ Anh phải sống”. Chị đã trả giá tấm lòng hy-sinh cho sinh-viên và quyết-tâm bảo-vệ người chồng bằng sáu năm mười hai ngày sống cùng đồng-bào miền Nam trong nỗi đau-khổ chung của dân bại-trận bị đoàn quân chiếm-đóng kìm-kẹp.

    Sau này, khi được đoàn-tụ cùng gia-đình, chị lại giúp anh làm việc ông-cò, dò từng chữ, kiểm từng câu để tìm nhặt những hạt sạn còn có thể sót trong bản thảo bài anh viết. Vợ này chồng ấy, thưa quý-vị, họ tát bể Đông cũng cạn

    ReplyDelete